1. Kindlifresserbrunnen
Tọa lạc ngay giữa trung tâm Bern là Đài phun nước Kindlifresserbrunnen đã có tuổi đời hơn 500 năm. Điểm đặc biệt đáng chú ý ở đài phun nước này là bức tượng mô phỏng một người đàn ông với khuôn mặt hung dữ đang há miệng cắn một đứa trẻ con. Trên tay của yêu tinh nhiều màu sắc là những đứa trẻ khác đang sợ hãi, vùng vẫy thoát thân nhưng lực bất tòng tâm. Điều này thể hiện ngay trong ý nghĩa cái tên của đài phun nước. "Kindli" có nghĩa "trẻ em" trong tiếng Đức (một trong những ngôn ngữ phổ biến được dùng ở Thụy Sĩ). "Kindlifresserbrunnen" nghĩa là "kẻ ăn thịt trẻ em".
Không ai biết được chính xác tại sao xuất hiện bức tượng vừa kỳ lạ vừa đáng sợ như vậy ngay tại thủ đô của Thụy Sĩ. Tuy nhiên có một vài giả thuyết được đưa ra. Câu chuyện được biết đến nhiều nhất liên quan đến nhà điêu khắc Hans Gieng chính là người chịu trách nhiệm tạo ra bức tượng. Ông cũng chính là người tạo ra nhiều đài phun nước ở Bern vào năm 1546, thay thế một loạt tác phẩm điêu khắc bằng gỗ.
Một giả thuyết khác cho rằng bức tượng yêu tinh tượng trưng cho vị thần Hy Lạp tên là Cronos, nổi tiếng với tên gọi La Mã là Saturn. Đây là vị thần trong truyền thuyết chuyên ăn thịt những đứa con của ông vì sợ rằng cuối cùng chúng sẽ chiếm đoạt vị trí cao nhất của mình.
Trong khi đó, một giả thuyết khác cho rằng bức tượng yêu tinh kể về câu chuyện của anh trai của Công tước Berchtold, người sáng lập Bern. Truyện kể lại rằng người anh em ruột của Công tước Berchtold vô cùng phấn khích trước sự thành công của em trai, đến nỗi ông đã đi tìm và ăn thịt những đứa trẻ ở thị trấn trong lúc hưng phấn cực độ. Tuy nhiên, không có ghi chép nào về điều này trong sử sách địa phương.
Một giả thuyết được nhiều người tin tưởng là Kindlifresserbrunnen đại diện cho Krampus, một sinh vật thần thoại phổ biến ở nhiều quốc gia nói tiếng Đức như Thụy Sĩ. Con quái vật có sừng, to lớn, hung tợn là một phụ tá quỷ ám của Ông già Noel, người sẽ đi vào đêm Giáng sinh ghé thăm và chuyên hăm dọa những đứa trẻ hư, nghịch ngợm. Tuy nhiên dù Kindlifresser là đại diện cho cái gì đi nữa, nó cũng khiến bao thế hệ trẻ em Thụy Sĩ sợ khiếp vía trong gần 500 năm nay, và nó cũng sẽ ở đó trong 500 năm tiếp theo nữa.
2. Gerechtigkeitsbrunnen
Tại "thành phố của hơn 100 đài phun nước", Gerechtigkeitsbrunnen (Đài phun nước Công lý) là một trong những đài phun nước đáng ghé thăm nhất. Đây là đài phun nước duy nhất tại Bern còn lưu giữ được tất cả những chi tiết thiết kế ban đầu và nó được liệt trong danh sách di sản văn hóa có ý nghĩa quốc gia.
Nhờ có bức tượng Nữ thần Công Lý nổi tiếng của Hans Gieng, Gerechtigkeitsbrunnen vượt qua tất cả những đài phun nước khác ở Bern về giá trị nghệ thuật. Bức tượng biểu tượng đã được sao chép trên toàn Thụy Sĩ cho đến tận giữa thế kỷ XVII. Tại chân của bức tượng là 4 bức tượng bán thân nằm sát nhau trên bệ: một Giáo hoàng, một Hoàng đế, một Sultan, và một Schultheiss. Họ đại diện cho 4 quyền lực trên trái đất, cả 4 hình thành nên sự cai trị theo chủ nghĩa nhân đạo Phục Hưng: chính trị thần quyền (Giáo hoàng), chế độ quân chủ (Hoàng đế), chế độ chuyên quyền (Sultan), và nền cộng hòa (Schultheiss).
Trong khi thanh kiếm và cái cân là yếu tố truyền thống của tượng Nữ thần Công lý (Iustitia) thì chi tiết bịt mắt của bức tượng thành Bern là một điều mới lạ; chỉ sau đó, nó đã trở thành một yếu tố phổ biến trong việc nhân cách hóa Công lý và là biểu tượng chung cho nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Bịt mắt ngụ ý rằng công lý phải được thực hiện mà không tôn trọng thứ hạng hoặc chỗ đứng trong xã hội; rằng một phán quyết công bằng được đưa ra thông qua hướng nội chứ không phải với cái nhìn hướng ngoại. Iustitia của Gieng là một biểu tượng của công lý cộng hòa và là một lời nhắc nhở công khai mạnh mẽ về chính quyền của cộng hòa ở Bern thông qua luật pháp.
3. Anna-Seiler-Brunnen
Anna-Seiler-Brunnen là tài sản văn hóa có ý nghĩa quốc gia của Thụy Sĩ và cũng là 1 phần của Di sản Thế giới do UNESCO công nhận của thành phố cổ Bern.
Đài phun nước Anna-Seiler-Brunnen nằm ở đầu đường phía trên phố Marktgasse nhằm tưởng nhớ về người sáng lập ra bệnh viện đầu tiên ở Bern. Vào ngày 29/11/1354, trong di chúc của bà, bà đã xin thành phố giúp mở một bệnh viện ở nhà của mình - ngày nay nằm ở Zeughausgasse. Bệnh viện ban đầu có 13 giường và 2 bệnh nhân và dự kiến sẽ trở thành một bệnh viện lâu đời. Khi Anna mất vào khoảng năm 1360, bệnh viện đã được đổi tên thành Seilerin Spital. Vào năm 1531, bệnh viện được chuyển đến tu viện Dòng Anh Em Giảng Thuyết St.Michael’s Island và sau đó được biết đến với cái tên Inselspital vẫn còn tồn tại cho đến hơn 650 năm sau khi Anna Seiler thành lập nên nó.
4. Schützenbrunnen
Đài phun nước Schützenbrunnen có từ thế kỷ XVI nằm ở trung tâm thành phố Bern. Đài phun nước được xây dựng từ năm 1527 - 1543. Bức tượng ở đỉnh của đài phun nước là một người đàn ông đang cầm lá cờ bắn súng Reismusketen bên tay phải, còn bên tay trái là một thanh gươm dài. Ngay cạnh chân của người đàn ông là một chú gấu nhỏ.
5. Méret Oppenheim
Méret Oppenheim là một trong số những nghệ sĩ nổi tiếng nhất Thụy Sĩ, được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật siêu thực của mình, và tác phẩm mang tính biểu tượng nhất bao phủ toàn bộ bằng lông của bà năm 1936, “Le Déjeuner en Fourrure” (“Bữa tiệc trưa bằng lông”). Một trong những kiệt tác cuối cùng được Oppenheim tạo ra khó hiểu hơn nhiều và cũng không kém phần kỳ lạ hơn bộ chén trà lông lá. Và nó có thể được tìm thấy ở trung tâm của thành phố mà bà chọn, thành phố Bern.
Đường xoắn ốc (Gang de Natur) hay con đường của tự nhiên là một chiếc cột có hình xoắn ốc làm từ bê tông và nhôm. Chiếc cột cao tới vài feet và thực chất là một đài phun nước với dòng nước chảy xuống từ phía bên ngoài. Nhưng điều khiến cho tác phẩm này khác thường đó là qua nhiều năm, từ một hình khối cột trơn mang phong cách thô mộc, tác phẩm đã thay đổi rõ rệt về cả hình dáng và kết cấu. Nước và chất khoáng đã tạo nên một khối đá khoáng Túp dạng xốp kỳ quái ‘mọc lên’ ở đỉnh, cùng với một số loại thực vật, rêu và địa y.
Còn nữa, tác phẩm còn thay đổi bề ngoài của nó theo mùa. Khi bị đóng băng vào mùa đông, đài phun nước bị bao phủ bởi lớp lớp các trụ băng. Vào mùa xuân, những bông hoa tí hon nở rộ trên đỉnh của nó. Thực chất đài phun nước tại Waisenhausplatz, trung tâm của Bern này phát triển nhanh đến nỗi vào năm 2013, nó đã cần đến những cuộc trùng tu lớn. Hàng 880 pound vật liệu đã được cạo bỏ để giữ cân bằng cho vật thể này. Con số trùng với sinh nhật thứ 100 của Oppenheim và kể từ đó hình dáng hữu cơ với những mảng lổn nhổn lại phát triển trở lại.
Trong khi đó, những người dân Bern lại có những quan điểm trái chiều về đài phun nước khó hiểu này. Một số phàn nàn về vẻ xấu xí tuyệt đối của nó và chi phí bảo dưỡng tốn kém, số khác lại ngưỡng mộ khả năng biến đổi của nó. Trong khi các nhà sinh vật học đánh giá cao sinh cảnh độc đáo đã được tạo nên từ trung tâm của thành phố, những người khác lại than phiền về cái vẻ xù xì và mốc meo của nó. Kể từ khi Oppenheim mất 2 năm sau khi đài phun nước được lắp đặt vào năm 1985, không ai còn có thể chắc chắn về việc liệu bà có chủ đích tạo nên tác phẩm có khả năng thay đổi hình dáng như vậy hay chỉ đơn giản là bà đã không tính đến hàm lượng canxi carbonate có trong nước máy ở Bern.
6. Pfeiferbrunnen
Đài phun nước từ thế kỷ XVI này nằm trong danh sách những di sản quan trọng cấp quốc gia của Thụy Sĩ. Pfeiferbrunnen được xây dựng vào khoảng những năm 1545 - 1546 bởi nhà điêu khắc thời Phục Hưng người Thụy Sĩ Hans Gieng, dựa trên bản khắc gỗ minh họa một người thổi kèn túi của Albrecht Dürer từ năm 1514. Ban đầu, nó đứng trước Gasthaus zum Kreuz (khách sạn và nhà hàng), nơi từng là một khách sạn dành cho những người hát rong du mục. Vào năm 1594, tòa nhà được đổi tên thành Gasthof zum Storchen, và do đó Pfeiferbrunnen cũng có một cái tên khác là Storchenbrunnen. Cái tên thay thế này khá phổ biến cho đến cuối thế kỷ XIX. Trong suốt thời kỳ đổi mới năm 1874, một dòng chữ đã được khắc ở sau bức tượng và các hình minh họa trên cột đã bị phá hỏng. Phần bồn nước hiện tại được xây dựng năm 1889. Sau đó vào năm 1919, đài phun nước được chuyển sang phía đông từ vị trí ban đầu giữa Ryfli và Storchengässchen đến vị trí hiện tại ở trước Spitalgasse 21.
Và còn rất nhiều những công trình đài phun nước cổ khác tại Bern, mỗi công trình đều mang dấu ấn và nét đẹp riêng. Nếu có cơ hội đặt chân đến thành phố Bern trong chuyến du lịch Thụy Sĩ, hãy ghé thăm check-in tại những đài phun nước này. Đó chắc chắn sẽ là những trải nghiệm thú vị đáng nhớ dành cho du khách!
Tin mới
- Làng Jokkmokk - Viên ngọc quý giữa vùng đất hùng vĩ và hoang sơ của Thụy Điển - 26/05/2024 16:46
- 12 địa điểm ở Đức khiến người ta "sởn gai ốc" - 22/05/2024 15:44
- Zermatt - "Viên ngọc bích" nằm ẩn mình trong dãy Alps hùng vĩ của Thụy Sĩ - 11/05/2024 15:05
- Tháp đồng hồ Thiên văn Zeitglockenturm thế kỷ XIII ở Bern, Thụy Sĩ - 10/05/2024 18:59
- Trải nghiệm với 4 "thiên đường" trượt tuyết của vùng Valais, Thụy Sĩ - 10/05/2024 18:56
Các tin khác
- Hồ Walen màu ngọc bích tuyệt đẹp ở Thụy Sĩ - 09/05/2024 17:36
- 26 điều thú vị về Thụy Sĩ sẽ khiến du khách bất ngờ - 30/04/2024 16:49
- 12 địa điểm hấp dẫn thu hút khách ở Cologne, Đức - 29/04/2024 20:11
- Gendarmenmarkt - Quảng trường đẹp nhất trời Âu ở nước Đức - 25/04/2024 16:10
- Nước Đức với những cái "nhất" - 20/04/2024 21:46